UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức (TP.HCM) đến năm 2040. Trong tờ trình, UBND TP.HCM nêu năm yêu cầu đặc thù liên quan đến quy hoạch đô thị sáng tạo, tương tác cao của TP Thủ Đức. Theo đó, năm yêu cầu này bao gồm: Hạ tầng kinh tế tri thức và công nghệ; gắn kết - đồng bộ với quy hoạch kinh tế - xã hội; xây dựng khung chính sách thực thi quy hoạch; chính sách an sinh xã hội và tương tác trong quá trình lập quy hoạch.
Năm yêu cầu đặc thù về quy hoạch đô thị
Cụ thể, thứ nhất, về hạ tầng kinh tế tri thức và công nghệ, TP cần bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế sáng tạo, hình thành hệ sinh thái sáng tạo kết nối với các hoạt động sản xuất, dịch vụ và văn hóa tại TP.HCM, trên toàn quốc và quốc tế.
Trong đó, các trung tâm sáng tạo là một giải pháp chủ yếu thu hút các tập đoàn lớn đặt trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), doanh nghiệp FDI, thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng có hiệu quả lao động ở mức cao hơn trung bình toàn TP.HCM và tham gia các ngành kinh tế sáng tạo.
Thứ hai, về gắn kết - đồng bộ với quy hoạch kinh tế - xã hội, chú ý đến xây dựng cách thức ra quyết định cuối cùng về phương hướng phát triển và danh mục ưu tiên dựa trên việc cân nhắc về chi phí, lợi ích, cũng như động lực và khả năng của các bên liên quan.
5 yêu cầu đặc thù về quy hoạch TP Thủ Đức đến năm 2040 - ảnh 1
Công tác lập quy hoạch chung TP Thủ Đức cần thống nhất đồng bộ với điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Thứ ba, về xây dựng khung chính sách thực thi quy hoạch, xác định các chỉ tiêu kiểm soát phát triển đô thị trên bảy lĩnh vực: Giao thông, năng lượng, môi trường và thiên nhiên, giáo dục và sức khỏe, mô hình ở, dữ liệu dùng chung, sự tham gia của cộng đồng. Phát triển quy định, quy chuẩn mới về quy hoạch và xây dựng nhằm áp dụng linh hoạt các chính sách quản lý trên lĩnh vực quy hoạch, phát triển hạ tầng, đẩy mạnh xây dựng các không gian kinh tế sáng tạo.
Thứ tư, về chính sách an sinh xã hội, đảm bảo diện tích sàn nhà ở bình quân đạt chuẩn đô thị loại I. Chú trọng nghiên cứu chính sách giải quyết nhà ở giá cả trung bình và nhà ở xã hội cho người nghèo, thu nhập thấp.
Thứ năm, về tương tác trong quá trình lập quy hoạch. Phương pháp tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch phải đạt được các yêu cầu như tạo ra cơ chế hợp tác nhà nước, doanh nghiệp, khoa học, cộng đồng để cùng tương tác, giải quyết các vấn đề của TP trong quá trình nghiên cứu, thẩm định và phê duyệt đồ án.
Tập trung làm nhanh quy hoạch
“Công tác lập quy hoạch chung TP Thủ Đức cần thống nhất đồng bộ với điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nêu lưu ý trong tờ trình gửi Thủ tướng.